Ở vùng nhiệt đới như Việt Nam, số người bị bệnh viêm mũi dị ứng quanh năm ngày càng gia tăng. Tỷ lệ này càng lúc càng cao ở những nước công nghiệp phát triển do sự ô nhiễm môi trường và có xuất hiện của những dị nguyên mới.
Cảnh giác với căn bệnh viêm mũi dị ứng ở nước ta
Tuy chưa thực sự có số liệu thống kê chính xác nhưng số bệnh nhân viêm mũi dị ứng đang có khuynh hướng tăng dần tại nước ta trong những năm gần đây. Trường hợp dị ứng do môi trường làm việc như ở các khu công nghiệp da giày, xí nghiệp cắt may, hóa chất tăng đáng kể.
Có thể nói, bệnh viêm mũi dị ứng là phản ứng quá mức của cơ thể, trong trường hợp hít phải vật lạ trong không khí. Thông thường khi tiếp xúc với những vật thể lạ cơ thể đương nhiên sản sinh ra phản ứng phòng vệ nói trên. Tuy nhiên, nếu phản ứng này xảy ra quá mức, gây ra những tổn hại cho cơ thể thì gọi là dị ứng hoặc trầm trọng hơn, có thể dẫn đến tử vong thì gọi là phản ứng sốc phản vệ.
Người bị viêm mũi dị ứng có thể sống một thời gian dài mà hoàn toàn không tìm thấy bất cứ biểu hiện nào của bệnh mặc dù các xét nghiệm lại chứng tỏ tình trạng dị ứng của cơ thể. Dẫu vậy thế cân bằng này lại không ổn định chút nào và bệnh sẽ xuất hiện khi có một số yếu tố thuận lợi chẳng hạn: tiếp xúc quá lâu với các dị nguyên gây dị ứng, căng thẳng thần kinh, stress và các yếu tố nội tiết (phụ nữ thời kỳ kinh nguyệt, tiền mãn kinh hoặc sử dụng thuốc tránh thai).
Một số dị nguyên cần tránh khi bị bệnh viêm mũi dị ứng
– Các dị nguyên thường do vật lạ bay tự do hòa lẫn trong không khí như phấn hoa, khói bụi công nghiệp hoặc bụi trong nhà, trong đó con mạt là tác nhân chính. Nấm mốc, bụi khói công nghiệp, lông thú chó, mèo, ngựa, các loại hóa chất… đều là những dị nguyên cần tránh. Đối với quá trình chữa viêm mũi dị ứng thì biện pháp phòng tránh này là cách tối ưu và hiệu quả nhất.
– Những chất trong thức ăn như sữa, trứng, các loại đậu, hải sản, các loại thuốc kháng sinh, phấn thoa, chất bôi trơn ở bao cao su, xà phòng… đều có thể gây dị ứng. Các chất này thường gây triệu chứng toàn thân hoặc ở bộ máy tiêu hóa, nhưng cũng cho những biểu hiện ở đường thở trên.
– Tuy nhiên, bạn có bị dị ứng hay không còn tùy thuộc vào từng cơ địa, tính di truyền của mỗi người trong đó tiền sử gia đình có vai trò hết sức quan trọng. Theo khảo sát của các bác sĩ bệnh viện tai mũi họng trung ương hà nội, cha mẹ bị dị ứng có tỷ lệ con bị dị ứng cao. Phân nửa số con của cha và mẹ đều bị dị ứng sẽ bị dị ứng. Nếu chỉ cha hoặc mẹ bị dị ứng thì tỷ lệ này là 30%.